Sau khi bỏ dịch vụ du lịch cưỡi voi, ngay lập tức, doanh nghiệp Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Từng bước chuyển đổi
Ông Nguyễn Đức – Phó Giám đốc chi nhánh, phụ trách Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn – cho biết: “Sau khi chấm dứt dịch vụ du lịch cưỡi voi, số lượng khách du lịch đã giảm mạnh.
Ví như, trước khi bỏ dịch vụ du lịch cưỡi voi, lượng khách giảm đến 90%.
Nhiều người vào trung tâm vì để trải nghiệm cưỡi voi nhưng khi đến nơi không được cưỡi nữa nên khá thất vọng.
Tuy nhiên, đơn vị đã linh động chuyển đổi bằng cách cho khách thuê trang phục đồng bào dân tộc thiểu số rồi cho voi ăn, chơi, rồi tắm cho voi.
Thực tế, việc chuyển đổi này chỉ mới được ít ngày nên không ít du khách cảm thấy mới mẻ, chưa đón nhận nhiều. Nhân viên phục vụ, nài voi vẫn chưa thành thạo trong việc chuyển đổi dịch vụ mới. Để thay đổi thói quen, sở thích của du khách không thể ngày một ngày hai, cần phải có lộ trình, làm bài bản”.

Du khách đến Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn đã không còn được cưỡi voi. Ảnh: Bảo Trung
Anh Nguyễn Đăng Anh (phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) tỉnh Đắk Lắk – cho biết: “Ngày Chủ nhật (12.2), tôi có đưa vợ xuống Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn để chơi, luôn tiện để cưỡi voi thư giãn cuối tuần.
Tuy nhiên vì ý theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông nên không biết nơi này đã bỏ dịch vụ cưỡi voi. Dù hơi thất vọng nhưng hai vợ chồng chấp nhận chơi với voi bằng cách cho nó ăn rồi đi bộ thưởng ngoạn phong cảnh, ăn uống.
Dù rất thích cưỡi voi nhưng tôi ủng hộ việc dẹp bỏ dịch vụ này để bảo vệ nó trước nguy cơ tuyệt chủng. Bởi, voi nhà ở địa phương chỉ còn rất ít”.

Thay vì cưỡi voi, du khách được thuê trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để chơi với voi. Ảnh: Bảo Trung
Ông Nguyễn Đức cho hay: “Để cải thiện tình hình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức huấn luyện voi để du khách có những trải nghiệm tốt nhất.
Ngoài ra, trung tâm còn sẽ tổ chức các chuyến đi tour đi trekking xa hơn. Du khách còn được chèo thuyền trên dòng sông Sêrêpốk hoặc đạp xe xuôi về các buôn làng, cắm trại đốt lửa.
Dù việc chấm dứt dịch vụ cưỡi voi ảnh hưởng lớn đến doanh thu nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận. Bởi, trước sau gì cũng phải chuyển đổi, thà làm sớm còn hơn”.
Khai thác hợp lý voi nhà
Anh Y Vinh là hậu duệ thứ 4 trong một gia đình có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng ở huyện Lắk – nói rằng: “Thực ra, việc chuyển đổi sang mô hình thân thiện với voi cần làm từ từ. Nài voi, người sống bằng dịch vụ về voi cần được cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn mô hình chuyển đổi lẫn hỗ trợ về tài chính để họ yên tâm, cân bằng thu nhập.
Bởi, nhiều người đang sống dựa vào voi, cho khách cưỡi để thu tiền. Nếu chuyển đổi sẽ dễ mất khách, cuộc sống sẽ khó khăn ngay. Huyện Lắk đang có tổng cộng 14 con voi nhà. Nhiều du khách đến với địa phương chỉ để cưỡi voi, ngắm cảnh trên hồ Lắk, đây là trải nghiệm rất tuyệt vời”.

Đắk Lắk đang làm từng bước để tiến đến việc chấm dứt dịch vụ du lịch cưỡi voi. Ảnh: UBND tỉnh Đắk Lắk
Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, để thực hiện cam kết với Tổ chức động vật châu Á, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện Lắk, Buôn Đôn… chủ voi nghiên cứu việc tổ chức hoạt động có sử dụng voi nhà trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023.
Trường hợp có sử dụng voi cần nghiên cứu không gây ảnh hưởng đến phúc lợi của voi và xây dựng các phương án phù hợp hơn như vận chuyển voi bằng phương tiện giao thông đến nơi tập kết.
Các bên liên quan chỉ sử dụng hình ảnh voi trong hoạt động khai mạc, bế mạc hoặc hoạt động tương tác thân thiện với voi, mang tính chất giáo dục môi trường.
Hoạt động voi diễu hành cần có phương án thay thế như sử dụng phương tiện để vận chuyển voi diễu hành cùng các đoàn. Các trò chơi tương tác phải nghiên cứu, có ít sự tác động đến tinh thần, tâm sinh lý của voi, không gây ức chế hoặc đau đớn cho loài vật này.
Phía UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt khoản viện trợ hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á với tổng giá trị hơn 55,4 tỉ đồng, tương đương 2,43 triệu USD để hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Đắk Lắk đang còn 37 con voi nhà và khoảng 80-100 con voi rừng, giảm khoảng 90% so với năm 1980.
Theo Bảo Trung/ Lao Động